Friday, December 27, 2013

Bài học bán hàng từ người ăn mày



"Tôi xách túi đồ nhãn hiệu nổi tiếng ra khỏi trung tâm mua sắm rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học MBA ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh... cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua hàng hiệu ở Plaza chắc chắn nhiều tiền...
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. - Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng...
- ...???
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu mua sắm lớn này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian đểtìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: "Hồng ơi, anh yêu em", gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại.( Chỗ này sao giống Thầy Thiêm nói quá!!!) Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?"
(bài sưu tầm trên vnexpress.net)

Monday, December 23, 2013

Nước mắt và ước mơ từ chuyến đi tặng quà học sinh vùng cao Hà Giang



Ngồi trong phòng làm việc ấm cúng tại Hà nội để tranh thủ viết  vài cảm xúc về các em bé ở vùng cao Hà Giang. Tôi đang mặc áo ấm, đi giày và trên bàn làm việc là phần cơm để ăn trưa. Nhưng nước mắt cứ muốn trào ra vì trước mắt là hình ảnh các cháu nhỏ, lem luốc, chân đi dép nhựa, có đứa thì không.  Chúng đang co ro trong một lớp học trát đất vung quanh  còn tệ hơn một cái chuồng lợn.  





Để đến được lớp học này cần phải đi một chằng được gần 10 cây số từ trung tâm thị xã Xí Mần, Hà giang. Con đường ngoằn nghèo như sợi dây thừng chằng chịt buộc vào các ngọn núi. Trên đường đi lác đác có một vài ngôi nhà gỗ mà người dân tộc xây dựng lên để ở.  Vị trí dừng xe lại là đỉnh ngọn núi, phía dưới là thung lũng.

Khi bước vào lớp học của các cháu tiểu học thì cả đoàn bật khóc. Một cái nhà trát đất, có thể nhìn thấy trời vì mái thủng. Lớp học giống như  cái lều siêu vẹo, dột, nát. Nhưng nó lại tràn đầy tình thương.  Một  cô giáo ở đây chăm sóc hơn 30 cháu bé ở tuỗi mẫu giáo. Với các mòn đồ chơi được làm từ hộp sữa chua, đĩa CD, bình sữa, hộp dầu gội đầu cắt đáy. 


Đưa mỗi cháu một cái bánh trưng nhỏ và một cái giò, nhìn các cháu bóc cái bánh và ăn ngon lành mà lòng cảm thấy kính trọng các cháu.  Những đứa trẻ mặc quần áo tuy có bẩn một chút nhưng nhìn vào ánh mắt ngây thơ, trong sáng tôi cảm thấy một sức mạnh của thiên nhiên. Vì đề tồn tại được thì mỗi cháu phải có sức đề kháng lớn.  Những đôi chân tím tái, quần áo phong phanh mà vẫn đến lớp, chịu đựng cái rét dưới 10 độ mà các cháu không ốm thì chắc hẳn các cháu phải có một sức mạnh sinh tồn mãnh liệt.  Đối lập lại, nếu là con gái của tôi, cũng tầm tuổi này,  chỉ cần tắm xong mà  quên không sấy đầu khô thì tối đã bị sụt sịt rồi. 


Chuyến đi còn kéo dài thêm 1 ngày nữa, cũng thăm một số điểm học ở vùng cao, nhìn lá cờ tổ quốc bay phấp phới trên đỉnh núi, các cháu bé tập thể dục dưới ngọn cờ và tôi được đọc lại 5 lời dạy của bác Hồ tại đây. Trong đó có “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, chúng tôi mơ ước  xây dựng lớp học  cho các cháu để có thể che chắn những cơn gió vùng cao trong thũng lũng, để các cháu có thể tiếp tục học ABC mà không phải rét co người. Ước mơ này cũng rất nhỏ bé nhưng nó làm lớn hơn trong mỗi chúng tôi tình yêu đồng bào, yêu đồng loại.

Nguyễn Phú Trung


Tuesday, November 12, 2013

Tư duy toán học dành cho sale : Phương trình y = f ( x)




Toán học đã cho chúng ta nhiều điều,  vận dụng toán học như thế nào trong vấn đề bán hàng? Và tư duy toán học giúp bạn điều gì để thành công trong công việc bán hàng? Rất lâu rồi, tôi mới xem lại một phương trình y = f (x), tự nhiên nảy sinh ý tưởng về bài viết này và muốn chia sẻ với những người yêu công việc bán hàng về cách vận dụng tư duy toán học trong công việc bán hàng.
Ý nghĩa toán học: Phương trình y = f (x)
Trong đó x mà một biến số, y là giá trị của hàm số f(x). ví dụ ta có phương trình y = 10 * x + 3. Nếu x = 1 thì y = 13, nếu x = 2 thì y  = 23. Khái quát lên một chút để định nghĩa cho dân dã: hàm số f(x) sẽ biến đổi giá trị của x thành giá trị y.  Hàm số f rất đa dạng, lũy thừa, logarit,… n kiểu hàm khác nhau. Nhưng tôi không định chia sẻ về toán học, mà muốn tìm những ý nghĩa của nó trong công việc bán hàng.
Ý nghĩa bán hàng: Phương trình  y = f(x)
X = hàng hóa, Y = doanh số,  F = người bán hàng. Người bán hàng sẽ là một hàm số, và hàm số đó sẽ biến đổi từ x thành y như thế nào? Có thể dưới dạng f(x) = c (c là một hằng số). Là người bán hàng mà lúc nào cũng chỉ ra một giá trị nhất định. Cho dù công ty có bao nhiêu hàng hóa đi chăng nữa, sản phẩm có tốt như thế nào thì kết quả vẫn là một con số cố định, được gọi là hằng số, số không bao giờ thay đổi. Bạn thấy có người nào như thế không? Những người bán hàng như thế này thì họ thực sự không yêu thích công việc, chỉ làm để làm mà không muốn có một sự thay đổi. Họ thích một thứ gì đó chắc chắn, ổn định, cơ bản và đều đặn.
Y = f(x) = a * x + b, trong đó a và b là những hằng số, phương trình này gọi là phương trình bậc nhất. Với một giá trị thời gian, tiền bạc, công sức là x họ biến đổi thành giá trị  a * x  cộng thêm b. Nếu a dương thì y sẽ tăng, còn a âm thì y sẽ giảm. Đây là những người bán hàng có thể biến đổi giá trị, nhưng có thể đi theo hai chiều hướng. Có những người bán hàng chiến binh, khi đưa ra x càng nhiều, hàng càng tốt, càng chất lượng thì họ bán hàng càng khỏe, càng vui. Họ suy nghĩ lạc quan, tích cực, suy nghĩ về cơ hội. Họ biết rằng nếu x càng lớn thì y – kết quả nhận được càng nhiều và họ thích chuyện đó. Ngược lại, nếu với những người có một suy nghĩ tiêu cực (a mang giá trị âm, ví dụ : -1) thì càng đẩy thêm x vào thì họ sẽ càng mang giá trị thấp hơn. Họ kêu ca, sao làm nhiều thế, sao nhiều hàng thế, sao nhiều vấn đề thế. Có nhiều  khi, công ty có nhiều khách hàng quá thì họ vẫn bảo, ôi sao mà nhiều việc thế, nhiều tiền thế
Một chút về b. trong trường hợp x = 0, thì khi đó y = f(0) = a * 0 + b =  b. đó là giá trị mà trong mọi hoàn cảnh, khi x không có gì thì họ vẫn tạo ra giá trị b nhất định. Giá trị b này cũng có thể âm hay dương. Tình huống này được hiểu như thế nào? Đó là những thời điểm rảnh, không có việc, hoặc lúc rảnh rỗi. Những người mang giá trị b dương, họ vẫn có thể hỗ trợ thêm người đồng nghiệp, tiết kiệm điện cho công ty,  tắt màn hình khi không còn sử dụng, động viên đồng nghiệp khi gặp khó khăn.  Ngược lại, nếu b âm, thì họ hay dành thời gian rảnh để nói xấu cấp trên, nói xấu đồng nghiệp, nói xấu khách hàng, lướt web, vào facebook để chat chít linh tinh.
Bạn sẽ tự quyết định được phương trình của mình như thế nào? Nó là một hằng số, hay là một phương trình bậc nhất, hoặc một phương trình khác có bậc cao hơn. Nhưng trước hết, bạn có thể kiểm tra lại tham số a và b của mình, nó là dương hay âm. Bạn đã có thái độ tích cực, khát khao chiến thắng, quyết tâm thành công hay chưa?  Lúc rảnh rỗi, bạn làm gì, có học hỏi thêm kỹ năng mới, có trang bị thêm cho mình kiến thức mới, có tạo ra những danh sách khách hàng mới để bạn có b dương hay không? Tương lai được xây dựng từ hiện tại. Và thị trường sẽ trả giá để mua phương trình của bạn, mua cách thức biến đổi từ x thành y của bạn. Nếu phương trình của bạn có khả năng biến đổi giá trị lớn thì thật sự tuyệt vời.
Tư duy toán học dành cho sale
Tối ưu hóa lợi nhuận: hành động nào x nào đem lại giá trị y cao nhất trong thời điểm hiện nay? Luôn đặt câu hỏi để có thể lựa chọn ra hành động nào, công việc nào, sản phẩm nào giúp bạn có được giá trị cao nhất. Max: Tìm cách đạt được kết quả tối đa; Min:  Với chi phí thấp nhất.
                                                                                                                                                                                                                                                                         Nguyễn Phú Trung

 @Thân tặng Ánh, American Academy.


Monday, October 21, 2013

Vô thường - Quy luật vũ trụ

Nguyên lý vô thường được phát biểu rất đơn giản là mọi thứ đều thay đổi. Nguyên lý vô thường trong Đạo Phật được dạy cho các Phật tử để quán chiếu sự vận động, thay đổi của không chỉ vạn vật mà còn cả tâm con người. Áp dụng nguyên lý vô thường vào cuộc sống và công việc giúp bạn bình an và có sức mạnh.
Mọi thứ đều biến đổi
Một triết gia phương Tây đã phát biểu một cách hình tượng  “bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Điều này có nghĩa, khi bạn quay trở lại, thì dòng sông đã khác đi rất nhiều. Dòng sông đã không còn như xưa nữa. Nếu chỉ hiểu nghĩa dòng sông đã thay đổi thì chưa thấy hết được cái hay của phát biểu này.  Hoặc có thể phát biểu này là chưa đủ vì không chỉ dòng sông mà bản thân bạn cũng đã thay đổi. Bạn cũng đang vận động như một dòng sông.
Thân thể được hình thành từ hàng tỷ tế bào. Chúng đang sinh ra và chết đi từng giây, từng phút. Có hàng tỷ sự vận động đang diễn ra trong cơ thể mà chỉ khi nhìn bằng kính hiển vi hoặc thiết bị khoa học mới thấy được điều đó.  Từng mỗi tế bào lại được xây dựng từ các phân tử. Các phân tử được hình thành từ các nguyên tử. Tiếp tục, các nguyên tử lại được hình thành từ các hạt. Các nhà khoa học hiện nay đã đưa ra kết luận là ngay cả các hạt cơ bản cũng không còn là cơ bản nữa, bởi vì chúng cũng đang biến đổi, chuyển hóa chứ không đứng yên một chút nào.
Ngoài thân thể biến đổi, thì suy nghĩ của chúng ta cũng đang biến đổi, cũng là dòng sông của suy nghĩ. Hôm nay bạn yêu quý người này, có thể ngày mai bạn không còn thích ngưới đó nữa. Hôm nay họ nói những lời ngọt ngào với bạn, nhưng ngày mai bạn có thể nhận câu nói thô tục, hoặc cũng còn có thể nặng nề hơn là bằng hành động bao gồm dao búa, gậy gộc, hoặc những âm mưu độc địa.  Như vậy, chúng ta có thể đưa ra một kết luận tương tự là “ bạn  không gặp một người hai lần “.
Cảm xúc của bạn vậy, trong một ngày bạn có lúc rất hứng khởi, rất hưng phấn tràn đầy niềm vui. Nhưng cũng có thể cuối ngày, sếp của bạn bảo bạn nghỉ việc đi, lúc đó thì sao bạn vui hay buồn, cảm xúc cũng đang vận động, đang thay đổi.  Trong tình yêu, nhiều đôi đã từng nói với nhau,” anh không thể sống thiếu em được. Anh chỉ có yêu mình em….” . Nhưng kết cục, thì khi em chết anh vẫn sống hoặc ngoài em ra, anh vẫn có thể yêu thêm em khác nếu nhà có điều kiện.
Đến đây có thể, bạn sẽ không đồng tình hoặc đặt câu hỏi là “thế mình yêu thật thì phải nói gì?” lúc đó tình yêu rất thật, thật đến nỗi bạn phát biểu một câu nói chắc chắn là sai nhưng bạn vẫn hoàn toàn tin 100% là đúng. Tôi được học một câu  “im lặng là đỉnh cao của trí tuệ” . Khi có ai nói với bạn hoặc bạn định phát biểu “ A yêu B mãi mãi, hay A không thể sống thiếu B” thì tốt nhất, hoặc bạn ý thức ra được sự thật thì bạn sẽ im lặng, bởi vì thực chất nếu điều đó đúng thì bạn sẽ không cần nói, hoặc bạn hiểu rằng có nói gì cũng là sai. Hoặc nếu dũng cảm hơn, bạn sẽ phát biểu là “A yêu B trong khoảng khắc này, còn không dám chắc khoảng khắc tiếp theo”.
Vậy chúng ta có thể nhận thức thấy mọi thứ đều thay đổi. Các hiện tượng, sự vật, sự việc đang thay đổi liên tục. Thân thể chúng ta  đang thay đổi. Suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta cũng như vậy, nó không ngừng chạy nhảy. Sự thay đổi diễn ra như thế nào?
4 Trạng thái
Mọi thứ thay đổi tuần tự theo bốn bước là SINH – TRỤ - DỊ -DIỆT. Hoặc giải thích theo ngôn ngữ hiện đại như sạu.  Đầu tiên là được sinh ra, xuất hiện. Thứ hai là phát triển, thứ ba là suy thoái và cuối cùng là diệt vong.
Từ các đế chế hùng mạnh trong quá khứ, như Ai Cập, La mã, Mông cổ, vv,… rất nhiều triều đại lẫy lừng, vàng son trong lịch sử phát triển thế giới, nay chỉ còn những câu chuyện về các triều đại đó. Nó đã được sinh ra, phát triển lên đỉnh cao, rồi tiến đến suy thoái và cuối cùng là biến mất.
Bản thân con người cũng vậy, được đẻ ra, nuôi lớn, trưởng thành, già đi và cuối cùng cũng biến mất. Một đồ vật, hay một thứ hàng hóa nào đó chúng ta mua về thì chúng cũng được tạo ra, sử dụng, hỏng hóc và cuối cùng biến mất. Cây cối xung quanh cũng vậy, được sinh ra, chúng nở hoa, rồi tàn héo và cuối cùng cũng biến mất.
Tình yêu, hay tình cảm cũng không có gì khác. Đôi khi còn nhanh hơn, hôm nay có rồi mai biến mất còn chưa kịp có trạng thái trung gian hoặc lướt qua trạng thái trung gian quá nhanh đến nối không kịp nhận ra. Nhưng nói chung sẽ như sau : cũng được sinh ra, tình cảm nảy nở, những ánh mắt, cái nhìn đầu tiên đầy đứng khởi, đằm thắm, tràn đây năng lượng. Sau đó, được thăng hoa, phát triển trở thành những cảm xúc đỉnh cao. Rồi từ đò, nó rời dần, rới dần xuống thành sự thông thường, gặp nhau cũng được không gặp nhau cũng chẳng sao. Đôi khi lâu lâu không gặp nhau còn tốt hơn là gặp nhau thường xuyên. Cuối cùng là “anh không còn yêu em nữa hoặc đỡ huỵch toẹt hơn thì, chúng ta không hợp nhau. BYE”.
Nhưng, đôi khi tình yêu kết thúc thì hôn nhân bắt đầu, hoặc khác hơn một chút là hôn nhân bắt đầu và tình yêu kết thúc một cách từ từ, hoặc hạ cánh dần dần (nói thế cho bạn đỡ phản ứng tiêu cực).  Có trường hợp ngoại lệ không? Cũng có, có một số trương hợp khác thì sẽ hạ dần rồi lại tăng lên cao, tăng lên cao nữa và cuối cùng cũng phải hạ cánh. Nếu  vẽ đồ thị thì nó cũng chỉ có xu hướng đi lên một giai đoạn và sau giai đoạn đi lên nó sẽ phải đi xuống và kết thúc.
Đọc đến đây, bạn sẽ một là hơi bực mình vì sự thật này, hoặc bạn sẽ suy nghĩ một chút để thấy sự thật này có giá trị như thế nào?
Bài học từ vô thường  cho  kinh doanh
  1. Thắng không kiêu bại không nản: Lúc bạn thất bại là lúc đi xuống, nhưng bạn biết sẽ có lúc đi lên. Thế thì bạn sẽ không sợ hãi, hãy cho mình một cơ hội mới. Ngược lại, khi bạn thành công, bạn biết rằng cũng sẽ có ngày đi xuống, hãy bình thản, đừng vội mừng và hoàn toàn thảnh thơi nếu có ngày tàn đến sớm hơn mong đợi. Vô thường thôi!
  2. Từ chối & đồng ý: Ý kiến của mọi người hầu như có thể thay đổi được. Hôm nay họ từ chối mua hàng nhưng ngày mai họ có thể đồng ý. Ngược lại, hôm nay họ đang là khách hàng trung thành nhưng ngày mai họ có thể nói lời tạm biệt.  Vô thường thôi!
  3. Khi bị chỉ trích về ý tưởng thì cũng đừng buồn: Ý tưởng của bạn có thể hôm nay mọi người cho rằng rất dở hơi, nhưng ngày mai lại có nhiều người chúc phúc cho bạn. Vô thường thôi!
  4. Trong mối quan hệ, bạn biết có gặp gỡ sẽ có lúc chia tay, có sinh thì có diệt nên cũng đừng buồn vì nếu có lúc chia tay. Mọi dòng sông đều tuôn chảy. Vô thường thôi!
Chính vì biết mọi thứ luôn thay đổi, bạn nên trân trọng từng ngày, từng cơ hội, từng mối quan hệ, từng thời gian với gia đình và bạn bè. Bởi vì không chắc chắn có còn gặp lại vì luật vô thường. Bạn hãy làm bốn trạng thái này đều đẹp và ý nghĩa. Trẻ con có vẻ đẹp của trẻ con, sự gây thơ, sự trong sáng. Thanh niên có vẻ đẹp của thanh niên, mạnh mẽ, hoài bão, khát vọng, năng lượng tràn đầy. Người già có vẻ đẹp của người già, chín chắn, kinh nghiệm, minh triết, trải nghiệm. Và Người chết cũng có vẻ đẹp của người chết, nếu chết thành bình, mỉm cười, và để lại câu chuyện hay cho con cháu.
Mỗi giai đoạn đều có vẻ đẹp của nó, có ý nghĩa của nó. Nếu chỉ có ban ngày thì mọi vật sẽ không phát triển. Cần có cả ban đêm để mọi vật được nghỉ ngơi, để sáng hôm sau sẽ lại đẹp đẽ, mới mẻ, sáng sủa. Không giai đoạn nào là không có giá trị. Quan trọng ở đây là bạn hiểu được sự vận động và tìm ra giá trị và ý nghĩa của sự kiện xảy ra. Bạn không thể quyết định sự kiện điều gì xảy ra với bạn, nhưng bạn có thể quyết định ý nghĩa của nó với bạn như thế nào.
Bạn hiểu quy luật vô thường, biến đổi, Sinh – Trụ - Dị - Diệt bạn sẽ bình an. Bạn hiểu điều tất yếu xảy ra, cho dù điều đó bạn thích, yêu, bảo vệ đến mấy nó sẽ cũng có ngày biến mất. Tại sao phải buồn? Tại sao lại không vui vì nó đã hoàn thành quy trình, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Do đó bạn sẽ bình an và vui sướng khi nó vẫn đang ở bên bạn, gia đình, đồng đội, bạn bè, cơ hội,…..
Bạn sẽ mạnh mẽ khi bạn hiểu quy luật vô thường, bạn sẽ trân trọng mọi lúc, mọi thời điểm, mọi thứ đang diễn ra. Vì bạn hiểu mọi điều xảy ra đều là duy nhất,nó sẽ không xảy ra hai lần cho bạn. Hãy tận hưởng và tìm ý nghĩa của nó, hãy gán cho nó ý nghĩa bạn thích  nhất, tích cực nhất, vui vẻ nhất. Khi hiểu luật vô thường thì bạn sẽ thấy mọi thứ chỉ là một cuộc chơi, có khởi đầu và có kết thúc và tại sao không chơi cho thật hay? Thật sáng tạo? Thật ý nghĩa? Để mỗi cuộc chơi, mỗi ngày chơi trở thành kiệt tác.
Nguyễn Phú Trung



Saturday, October 12, 2013

Đại tướng và Lòng từ bi




Đại tướng được nhắc nhiều đến về những chiến thắng hiển hách trong chiến tranh, nhưng còn một chiến thắng vĩ đại nữa mà ít được nói đến. Đối với tôi, không sinh ra trong thời chiến nên cũng khó cảm nhận được sự vĩ đại của chiến thắng hiển hách trước các cường quốc như Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Nhưng tôi cảm nhận  một chiến thắng vĩ đại hơn nhiều lần mà đại tướng đã tạo ra trong thời bình. Chiến thắng được tạo ra bằng lòng từ bi.
Về quan điểm quân sự của Đại tướng là giành chiến thắng với ít máu rơi nhất có thể. Đại tướng luôn coi mỗi người lính như người con của mình và khi ra quyết định bất kỳ một trận chiến nào, thì ngài đều tính toán, tìm hiểu kỹ lưỡng cách thức, chiến thuật để giành được chiến thắng với sự hạn chế nhất về thương vong, máu xương của các chiến sỹ. Chính tấm lòng, trái tim thương dân, thương quân mà Đại tướng phải suy nghĩ, phải sáng tạo để có được giải pháp tối ưu. Khi xem đoạn phim về trận chiến Điện Biên Phủ “cuộc chiến giữa hổ và voi” do một đạo diễn phim người Pháp thực hiện. Khi phỏng vấn Đại tướng thì ngài có nói  “Cuộc chiến là sai lầm”. Ngài cho rằng không nên có chiến tranh là tốt nhất và người chịu trách nhiệm chính là những kẻ lên kế hoạch cho trận chiến giữa người Pháp và Việt nam. Chính làm tướng, chính nhìn thấy xương máu của hàng triệu người vô tội, đại tướng mới là người hiểu được rõ nhất giá trị của hòa bình. Ngài cầm quân ra trận, một quyết định sẽ dẫn đến sự hủy diệt sinh mạng có thể của bên mình hoặc bên đối thủ. Cho dù sinh mạng đó của bên nào, ngài cũng đều nghĩ đó đều là mạng người, và ngài muốn sớm nhất kết thúc chiến tranh.
Sau chiến thắng chống Pháp, ngài lại tiếp tục lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam chống lại đối thủ mạnh hơn về tài chính, kỹ thuật, công nghệ. Sau ngày giải phóng, ngài là Bộ trưởng bộ quốc phòng nắm toàn quyền về quân sự của đất nước Việt Nam độc lập tự do. Chính giai đoạn này thì chiến thắng vĩ đại nhất của ngài xuất hiện.
Đại tướng bị cắt chức, chuyển từ Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng sang phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Chúng ta thử tưởng tượng về một con người uy tín với thế giới, với quân đội, nằm toàn bộ binh quyền trong tay có thể bị dễ dàng cắt chức thế được không? Và bị điều chuyển sang một lĩnh vực mang tính “đàn bà” như  vậy thì có dễ dàng chấp nhận được không? Nếu Đại tướng không chấp nhận chuyện như vậy, không nhẫn nhục thì điều gì có thể xảy ra?
Chúng ta có thể nhìn thấy các sự kiện gần đây ở các nước như Thái Lan, Iran, thì quân đội sẽ quyết định quyền lực của chính quyền. Vì nếu một người dí súng vào đầu bạn và  bắt đầu đàm phán thì lợi thế đàm phán sẽ nghiêng về người cấm súng nhiều hơn.  Đại tướng hoàn toàn có thể hiệu lệnh quân đội trong tay để nắm quyền điều hành đất nước. Nhưng ngài đã không làm như vậy, vì có lẽ, ngài hiểu rẳng một trận chiến nội bộ như vậy sẽ khiến cho không biết bao nhiêu người chết nữa.  Mà những cái chết đó không phải là cái chết của kẻ thù mà là cái chết của chính đồng đội, chính những người đang gọi nhau là đồng chí.
Ngài đã chấp nhận từ chức, chịu rất nhiều lời vu khống, bội nhọ đến cả danh dự, hình ảnh của một vị đại tướng lừng danh thế giới. Ngài rời bỏ chức vụ, từ bỏ binh quyền để làm một việc mà ai nghe cũng phải ngạc nhiên. Ngài nhẫn nhịn những điều mà ít người có thể nhẫn nhịn được. Ngài đã có một chiến thắng lớn lao nhất, chiến thắng được chính mình, chiến thắng tham vọng. Ngài đã buông bỏ cái bả công danh để giữ cho đất nước được hòa bình bất chấp sự chà đạp, bôi nhọ. Đại tướng làm được như vậy, chắc hẳn là lòng từ bi, tình thương của ngài với nhân dân lớn hơn rất nhiều tham vọng, cái Tôi mà rất nhiều chủ thuyết hiện đại kêu gọi. Ngài giống như một vị Bồ tát với hạnh Đại nhẫn, chấp nhận mọi sự tổn thương về mình để cho những người dân được hòa bình, để cho dân tộc không rơi vào cảnh nội chiến tang tóc.
Trong lịch sử nhà triều đại nhà Trần, cũng có một câu chuyện gần giống nhưng khác rất nhiều. Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Quốc Công Tiết Chế chỉ huy toàn bộ quân đội để chống lại giặc ngoại xâm là quân Nguyên. Hưng đạo vương đã được cha dặn dò trước khi nhắm mắt là phải lấy lại ngôi vua. Lúc đó Ngôi vua thì do dòng thứ nhà Trần là vua Trần Nhân Tông nắm giữ. Hưng Đạo Vương là đại diện cho dòng trưởng, với uy tín, với cương vị chỉ huy toàn quân thì có thể dễ dàng lấy lại ngôi vua như trở bản tay. Trong lịch sử có ghi lại, Ngài đã gọi tất cả bốn người con từng người vào một và hỏi là “khi ông nội chết, có dặn cha là phải lấy lại ngôi vua. Ý con thế nào?” Ba người con đầu đều khuyên là không nên, nhưng người con cuối có nói là phải tranh thủ cơ hội để cướp ngai vàng. Hưng đạo vương đã nổi giận lôi đình và ra lệnh mang đứa con ra chặt đầu. Người con này may là được xin tha nên không bị chết, nhưng từ đó cũng không được Ngài dùng vào các việc quan trọng nữa.
Hai con người vĩ đại, Trần Quốc Tuấn, Võ Nguyên Giáp  rất giống nhau, cùng lãnh đạo quân đội, cùng chống lại đối thủ lớn nhất thời đại tương ứng, và cùng chiến thắng. Hai ngài đều thể hiện một tầm lòng trung kiên, yêu nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình. Nhưng chỉ khác với Hưng đạo vương là Đại tướng bị cho thôi chức, bị bội nhọ sau khi đem đến chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.
Với tấm lòng từ bi thương yêu đất nước, Đại tướng thanh thản đón nhận để đất nước được thêm bình yên. Ngày quốc tang của Ngài đã làm rung động nhiều trái tim của nhiều thế hệ. Điều đó thể hiện đức độ , lòng từ bi của ngài mới là giá trị lớn nhất được ghi tạc trong lòng dân tộc Việt Nam.
                                                        Hà nội, 12/10/2013. Biết ơn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp