Monday, July 22, 2013

Công thức bán hàng 5S - Giải quyết + Phục vụ + Mãn nguyện



 

Công thức Bán hàng 5S
Sờ vào là ra doanh Số


 
Giải quyết vấn đề (Solve):

Vấn đề mang về cơ hội
“Cuộc sống sẽ luôn mang đến những thử thách, chính thử thách giúp bạn trưởng thành hơn, giỏi giang hơn, ý nghĩa hơn”
Bạn đang ở bước ba của việc bán hàng. Bạn đã chia sẻ, bạn đã giới thiệu và khách hàng sẽ phải lựa chọn hoặc mua hoặc không mua. Họ cần phải ra quyết định. Trong những tình huống bạn không ra quyết định được bởi vì lý do gì? Có hai nguyên nhân chính sau
1) Không rõ vấn đề, hay không rõ bài toán
Người mua hàng không hiểu và không thấy được vấn đề, bức xúc hoặc nhu cầu của chính mình. Người bán hàng không giúp khách hàng nhìn thấy được vấn đề của họ, không chạm được căn bệnh thực sự mà họ đang gặp phải. Họ sẽ không thể quyết định lời giải nếu không rõ bài toán.
Người bán hàng thành công thường đặt ra các câu hỏi tốt để làm rõ nhu cầu, vấn đề, tình trạng của khách hàng đang gặp phải? Trong lúc gặp gỡ, trong lúc chia sẻ, trong lúc thuyết trình họ luôn tìm cách đưa ra các câu hỏi để thăm dò, để tìm kiếm thông tin phản hồi để nhận được rằng ai đang nói chuyện với họ? người đó cần gì? tại sao? lúc nào? cái gì?....
Những người bán hàng chuyên nghiệp sử dụng linh hoạt các câu hỏi Tại sao (why)? Cái gì (What)? How (Làm thế nào)? Khi nào (When) ? Who (Ai vậy?) để khách hàng nói được ra những thứ thực sự họ cần, muốn và đang gặp khó khăn. Bạn càng làm rõ nhu cầu, bạn càng hiểu khách hàng thì bạn càng có nhiều cơ hội mang đến thứ họ muốn sở hữu.
2) Chưa có lời giải tối ưu
Khách hàng không quyết định được bởi vì họ chưa có phương án giải tối ưu. Họ không biết được mua tốt hơn hay không mua tốt hơn. Họ không biết được trong số những điều họ được biết, điều gì là tối ưu. Nhiều lúc, để có được cái này chúng ta lại mất đi cái kia, không dễ dàng hoặc ít khi có thể được cả hai. Ví dụ, chất lượng cao dẫn đến giá cao? Tính năng động, linh hoạt dẫn đến độ phức tạp và bảo hành phải nhiều? Như vậy để tìm được lời giải tối ưu, hay điều gì là quan trọng với khách hàng là công việc của người bán hàng. 

Những người bán hàng thành công hàng đầu, được khách hàng coi như là nhà tư vấn, người cố vấn bởi vì họ tôn trọng lời khuyên, ý tưởng, giải pháp, kinh nghiệm của người bán hàng. Họ đánh giá cao khả năng chuyên môn, độ sâu trong trải nghiệm, mức chính xác khi đưa ra thông tin. Họ cần những người bán hàng như vậy để không chỉ cho họ sản phẩm mà cho họ giải pháp, cho họ nhìn thấy bức tranh tổng thể, cho họ nhìn thấy khi giải quyết được vấn đề thì họ được gì? như thế nào? Đó là mới là động lực khiến khách hàng quyết định
Như vậy người bán hàng thành công khi đưa ra được lời giải mà khách hàng chấp nhận, Khách hàng nhìn nhận thấy lời giải đó là đáp án tốt nhất cho họ vào thời điểm ra quyết định. Nó giải quyết được các vấn đề mà họ đang vướng, nó thỏa mãn được nhu cầu của họ, nó giúp khách hàng tối ưu về thời gian, công sức. Nó giúp họ an toàn về mặt công việc. Nó giúp họ hạn chế được các rủi ro tiềm năng,…. 
Sau khi khách hàng chấp nhận giải pháp của bạn. Họ quyết định giao dịch với bạn. Câu chuyện thực sự hấp dẫn mới bắt đầu. Bước tiếp theo là....
 
Phục vụ (Serve)
Khách hàng đã quyết định mua sản phẩm, dịch vụ của bạn. Tại bước 4 – Phục vụ là  cung cấp giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ đang bán. Họ cần thấy được thái độ, trách nhiệm, tinh thần của bạn sau khi họ đã chấp nhận mua hàng. 

Trước bước này thì đó là cuộc tình, còn sau khi khách hàng đã chấp nhận thì đó là kết hôn. Hai bên phụ thuộc vào nhau, hai bên tạo dựng quan hệ sâu sắc hơn với nhau. Tiếp tục ví dụ bán phần mềm thì sản phẩm dịch vụ của bạn đi sâu vào trong doanh nghiệp của khách hàng. Bạn phải tham gia quá trình đó,  công ty bạn cài đặt phần mềm vào trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Khách hàng bây giờ cũng phụ thuộc vào bạn rất nhiều.

Phục vụ là cách bạn thực hiện những cam kết đã đưa ra, khách hàng cần nhận được đầy đủ những giá trị mà bạn đã hứa. Nếu không phục vụ khách hàng không chu đáo thì sao? Chắc chắn người bán hàng kém nhất cũng hiểu là bạn sẽ không bao giờ mua lại nữa. Bạn không còn tin người bán hàng đó nữa bởi vì bạn cũng đã từng là người mua hàng, bạn hiểu cảm xúc như thế nào khi bị lừa, khi bị đối đãi không tử tế, khi thanh toán xong thì họ coi bạn như người dưng. 

Phục vụ là công việc cao cả. Phục vụ thể hiện tinh thần khiêm tốn, trách nhiệm. Ai cũng phải đi phục vụ người khác nếu muốn tồn tại và phát triển. Đó là một vòng tuần hoàn, kể cả một nguyên thủ quốc gia, nếu ông không phục vụ nhân dân, hay những người đã giúp ông lên vị trí đó thì sớm muộn gì những người đó sẽ cho ông xuống. Nên bạn đừng ngại ngần khi được phục vụ người khác.

Phục vụ tốt đem lại cho bạn cơ hội thứ hai. Khác hàng sẽ quyết định rằng sẽ tiếp tục với bạn ở lần 2 hay không là do kết quả ở lần 1. Nếu bạn phục vụ tốt, bạn vượt qua được bài kiểm tra, bạn sẽ vào vòng hai và nhiều vòng tiếp theo nếu bạn tiếp tục phục vụ tốt. Họ còn có thể mang đến bạn nhiều cơ hội khác nữa mà có thể bán chưa tưởng tượng ra.

Để đến được bước 4 phục vụ, bạn phải trả qua được ba bước trên. Có thể bạn không phải trực tiếp trải qua, nếu mô hình kinh doanh của công ty bạn là giao cho từng phòng làm từng công đoạn. Nhưng bạn phải hiểu rằng, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện trước đó để bạn được phục vụ khách hàng. Nên hãy làm điều này tốt nhất có thể.

Giống như đội bóng, có thể công tác ghi bàn của hàng tiền đạo và tiền vệ rất tốt, nhưng các đồng chí hậu về và thủ môn làm việc không ra gì thì nếu số lượng thủng lưới mà lớn hơn số bàn thắng ghi được thì đội đó vẫn thua.  Phục vụ khách hàng là công việc quan trọng để tạo sự ổn định cho hoạt động kinh doanh và tạo sự vững chắc cho doanh số. Nếu bạn là người bán hàng cá nhân, bạn phải tự mình thực hiện toàn bộ 5 bước bán hàng này thì phục vụ khách hàng vẫn là rất quan trọng cho sự thành công.

Đứng dưới góc độ nhân quả mà nói, người nào càng phục vụ được nhiều người thì người đó càng thành công. Bạn phục vụ được cho nhiều người, tức là giá trị của bạn được nhiều người đón nhận. Hay nói cách khác, bạn đem nhiều niềm vui, giá trị, giải pháp cho càng nhiều người thì bạn càng nhận được nhiều “quả” ở đây có thể là tài chính, sự công nhận, thành công trong công việc, v… Những người có tính thần phục vụ cao thì họ càng có năng lượng, càng có trách nhiệm và càng được tôn trọng.

Tuy nhiên phục vụ đơn thuần chưa đủ, bạn cần làm khách hàng mãn nguyện. Để khách hàng mãn nguyện là bạn làm hơn bất cứ sự mong đợi nào của họ. Bạn vượt qua giới hạn tưởng tượng, suy nghĩ của họ. Bạn làm họ ngạc nhiên về bạn.  Đó chính là bước tiếp theo của bán hàng

Làm mãn nguyện (Satisfy)

Trong thế giới kinh doanh cạnh tranh đầy “hổ báo” làm cách nào để bạn có được càng nhiều khách hàng tốt? Điều đó duy nhất là bằng cách giúp cho các khách hàng hiện tại của bạn trở nên mãn nguyện. Chính họ sẽ là những người quảng cáo, giới thiệu, giúp bạn có nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Để có được sự tin tưởng từ một người lạ mặt bạn cần nhiều thời gian và công sức. Nhưng nếu người lạ mặt đó có quan hệ bắc cầu với một khách hàng mãn nguyện của bạn, thì bạn đã có tấm vé để vượt qua cánh cửa khó khăn nhất đó chính là sự tin tưởng. Bạn có thể nói rất hay về bạn. Bạn có thể giới thiệu rất nổi bật về bạn. Nhưng tác động của nó chỉ bằng 20% so với người khác nói hay về bạn. 

Bạn không thể kiếm soát họ nói hay về bạn như thế nào? Bạn không biết là họ đang quảng cáo miễn phí cho bạn ra sao? Cách tốt nhất chính là làm cho họ mãn nguyện. Làm cho họ bất ngờ. Làm cho họ thực sự hài lòng về những gì họ nhận được. Chắc hẳn bạn đã biết một khách hàng bực tức thì họ sẽ nói cho nhiều nhiều người khác, ngược lại khách hàng hài lòng sẽ chỉ nói cho một số ít người. Bạn sẽ lựa chọn cách khách hàng nói về dịch vụ, về bạn, công ty của bạn như thế nào?
 
Những công ty lớn, những người bán hàng thành công họ nhìn xa và lâu dài. Họ không nhìn vào một giao dịch mà họ nhìn vào tài sản. Nếu bạn chỉ có giao dịch, mua bán xong là xong thì bạn khó có thể giàu có, nhưng nếu bạn có tài sản, khách hàng trở thành nguồn tiền cho bạn lâu dài thì bạn mới có thể thực sự giàu có và thành công.

Quy trình bán hàng 5 S này sẽ tối ưu hơn khi bớt đi một bước. Bạn thử đoán xem đó là bước nào? Nếu bạn không phải tìm kiếm khách hàng nữa thì chuyện gì xảy ra? Nếu khách hàng cũ tự giới thiệu cho bạn khách hàng mới thì có tốt hơn không? Chắc chắn là tuyệt vời hơn rất nhiều khi có ngày càng nhiều người khách hàng đúng tìm đến bạn. Họ thông qua những khách hàng hài lòng để tìm đến với bạn thì đó là dấu hiệu chắc chắn cho sự thành công.
Vậy làm thế nào để khách hàng mãn nguyện?
Quy luật nhân quả sẽ giúp bạn có nhiều ý tưởng đúng. Tôi có thể gợi ý cho bạn một số giải pháp sau
1)      Làm nhiều hơn sự mong đợi của khách hàng: Giả sử khách hàng cần 10 điểm, bạn cho họ thêm 1 điểm nữa ngoài sự mong đợi. Bạn đang đầu tư 1 điểm này vào giao dịch trong tương lai. Ai cũng thích nhận được nhiều hơn. Bạn cũng vậy và khách hàng cũng thế. 

2)      Giữ cam kết: Để có được uy tín, sự tin tưởng không còn cách nào khác là giữ lời hứa của bạn. Hãy thực hiện cam kết đưa ra cho dù phải trả giá như thế nào. Thương hiệu của bạn được xây dựng qua những thử thách, những bài kiểm tra. Mỗi lần bạn định không giữ cam kết thì bạn nên đặt câu hỏi sau: Bạn có muốn người khác thất hứa với mình không? Nếu câu trả lời là không thì bạn hãy làm ngược lại.

3)      Gia tăng giá trị cho bản thân: Hãy đầu tư thêm vào bản thân mình kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết, … bản lĩnh, vv… đó cũng là cách thức để bạn đem lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng. Bạn giúp họ chọn lựa được giải pháp đúng nhanh hơn. Bạn tiết kiệm cho họ thời gian nhiều hơn. Bạn xác định chính xác vấn đề và giải quyết sớm hơn. Khi đó chính cách thức giải quyết công việc , thái độ, năng lượng, năng lực là những món quà giá trị cao mà bạn có thể tặng cho khách hàng

4)      Chỉnh sửa lại quy trình làm việc. Các thao tác bán hàng, quy trình bán hàng, phục vụ, càng hiệu quả thì bạn càng tiết kiệm chi phí không chỉ cho bản thân mà còn cho cả khách hàng.
5)      Làm những việc cần thiết hay làm những việc đúng. Đừng làm mất thời gian của người khác. Hãy chọn những việc quan trọng, có giá trị và đúng thứ khách hàng cần sẽ làm cho họ hiểu rằng bạn là người tinh tế, sắc sảo khi hiểu được những gì cần thiết cho  đối tác.

Qua bài viết này bạn có thể hình dung ra được 5 bước trong bán hàng.
Tìm kiếm (Seek): Mở rộng danh sách, càng có nhiều người bạn có thể phục vụ thì bạn càng nhiều cơ hội thành công. Hãy mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng mỗi ngày
Chia sẻ (Share): Chia sẻ giá trị mà bạn đang cung cấp. Quan trọng nhất là bạn cần tin tưởng và thực sự tin tưởng vào giá trị mà bạn đang cung cấp.
Giải quyết (Solve): Tìm hiểu các vướng mắc, khó khăn, nhu cầu , rào cản của khách hàng để giúp họ vượt qua.
Phục vụ (Serve): Tận tình đem dịch vụ, sản phẩm đến cho khách hàng, với thái độ trân trọng, biết ơn vì những gì họ đã, đang và sẽ mang đến cho bạn. Bạn muốn nhận được sự tôn trọng và hài lòng thì hãy phục vụ thật tốt.
Mãn nguyện (Satisfy): Đừng dừng lại ở mức độ tốt mà hãy làm ở mức tuyệt vời. Hãy làm nhiều hơn sự mong đợi. Hãy cho họ những gì họ cần và ngạc nhiên. Cuối cùng hãy đem lại cho khách hàng niềm vui và sự an toàn. Ai cũng cần an toàn và ai cũng cần niềm vui. Nếu bạn giúp họ có được cả hai thì bạn sẽ có rất nhiều thứ. 

 
Nguyễn Phú Trung

Công thức Bán hàng 5S - Tìm kiếm + Chia sẻ +



Công thức Bán hàng 5S
Sờ vào là ra doanh Số

Công việc bán hàng vừa đơn giản vừa phức tạp, đặc biệt là rất nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có khả năng để làm công việc này trở nên đơn giản và đầy niềm vui. Bạn hoàn toàn có thể đẩy mạnh doanh số khi bạn hiểu bán hàng là cuộc sống. Vì ai cũng phải bán hàng, có thể đó là thời gian, công sức, trí tuệ, ý tưởng hay sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, cho nên, càng hiểu được bản chất và có được quy trình bán hàng thì bạn sẽ cả niềm vui và sự trưởng thành. Trong bài viết này, quy trình bán hàng gồm có 5 bước và bắt đầu bằng mỗi chữ S: Seek (Tìm kiếm), Share (Chia sẻ), Solve (Giải quyết vấn đề), Serve (Phục vụ) và Satisfy).
“Công thức: Sale = Seek → Share → Solve → Serve → Satisfy”


Tìm kiếm (Seek)
Đầu tiên bạn sẽ bắt đầu với bước tìm kiếm khách hàng tiềm năng, những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm và có khả năng thanh toán. Tìm kiếm khách hàng tiềm năng là bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện. Nếu không có khách hàng thì bạn chẳng biết bán cho ai. Những người bán hàng chuyên nghiệp thường có danh sách dài không kết thúc những người có tiềm năng sử dụng sản phẩm. Trong danh sách đó, họ liệt kê đầy đủ, tên, điện thoại, email, địa chỉ, hoặc đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 5 những người trong danh sách đó để có thể tiếp cận theo kế hoạch.

Trong trường hợp bạn chưa có danh sách nhưng trên tay bạn đã có sản phẩm hay dịch vụ rồi, thì bạn sẽ đặt câu hỏi? Ai là người quan tâm hay có nhu cầu sử dụng sản phẩm? Họ đang ở đâu? Họ là người như thế nào? Ai sẽ là người có vấn đề, bức xúc hay động lực để mua hàng nhiều nhất? Hãy viết ra các nhóm khách hàng có đặc điểm gần giống nhau để bạn có thể tiếp cận. Ví dụ bạn đang bán sản phẩm phần mềm thì bạn sẽ nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp. Trong khách hàng doanh nghiệp thì quá chung chung thì bạn nên chia thành các nhóm nhỏ hơn ví dụ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, đào tạo, thương mại, ngân hàng hay bất động sản. Hoặc bạn có thể phân chia theo địa bàn, những doanh nghiệp gần nơi bạn đang làm việc để giảm thời gian khi tiếp xúc họ.

Công việc lập danh sách khách hàng sẽ quyết định 40 % kết quả bán hàng của bạn, nếu bạn không có đầu vào tốt, bạn không có danh sách khách hàng tốt thì những bước sau sẽ khó khăn. ngược lại nếu bạn lập danh sách nhiều về số lượng và tốt về chất lượng thì bạn giống như người nông dân đã có một mảnh đất rất tốt để canh tác  và vụ mùa sẽ thu hoạch cao hơn so với người nông dân canh tác ở mảnh đất cằn cỗi.  Nhưng, có danh sách khách hàng tốt không có nghĩa là bạn đã chắc chắn thành công và hiệu quả. Bởi vì nếu bạn không làm bước tiếp theo thì đó chỉ là bảng excel dữ liệu.

Chia sẻ (Share)
Nếu khách hàng của bạn là do công ty giới thiệu, hoặc họ chủ động tìm đến thì bạn có nên lập danh sách hay không? Câu trả lời là CÓ. Vì công ty mới chỉ cho bạn khách hàng tiềm năng, còn bạn cần chuyển hóa họ thành khách hàng trả tiền và hơn thế nữa trở thành khách hàng trung thành. Hơn thế nữa là khách hàng hâm mộ và mãn nguyện. Nhưng trước hệt, Bước tiếp theo của lập danh sách thì bạn cần chia sẻ thông tin. Bán hàng đơn giản là bạn chia sẻ thứ bạn  đang có. Tại sao tôi không nói là bạn cần phải trình bày, thuyết phục hay làm điều gì đó phức tạp? Bởi vì nếu bạn làm phức tạp thì bạn sẽ rất khó để thực hiện.

Bạn hãy nhớ  lại, nhiều lúc, với các sản phẩm hay dịch vụ rất tốt, rất chất lượng mà bạn được sử dụng, bạn sẽ nói chuyện về nó với bạn bè, bố mình, mẹ mình, hoặc vợ mình hoặc bạn gái của mình một  cách tự nhiên. Sự tự nhiên bắt đầu khi bạn có cảm xúc thật sự, bạn có tình yêu với những gì bạn đang bán.

Có nhiều bạn nói với tôi là tôi không thích sản phẩm đang bán thì có nghĩa là bạn phải thay đổi. Hoặc chính bạn hoặc sản phẩm đó. Tôi không khuyên bạn cố gắng bán những thứ vô giá trị cho khách hàng vì nếu bạn làm như vậy, luật nhân quả cũng không để bạn yên, bạn sẽ nhận được những thứ vô giá trị, hoặc bạn chẳng thể bán được vì chính bạn còn không thích nó.

Nhưng với trường hợp, trong cùng công ty, cùng bán sản phẩm dịch vụ giống nhau, cùng mức giá giống nhau, cùng chống lại sự cạnh tranh, cùng một thời điểm của thị trường, có người bán hàng bán top đầu bán được gấp 20 đến 30 lần doanh số so với người đứng ở nhóm đội sổ. Khi đó bạn phải đặt lại câu hỏi là bản thân mình đã thực sự hiểu, tin và tha thiết với thành công chưa?

Phần lớn những người bán hàng dẫn đầu doanh nghiệp họ rất thích, yêu và nhiều khi còn đam mê sản phẩm. Họ thấy ý nghĩa và giá trị đích thực của sản phẩm và dịch vụ. họ muốn nhiều nhiều người dùng hơn nữa. họ muốn khách hàng trải nghiệm ngay lập tức những thứ họ đang bán. họ chắc  chắn về giá trị mà khách hàng nhận được khi mua sản phẩm của họ. Từ lời nói, ánh mắt, khuôn mặt của họ toát lên niềm tin về điều họ đang nói. Đó chính là chia sẻ.

Khi bạn chia sẻ với cảm xúc vui vẻ, khi bạn chia sẻ với niềm vui thì khách hàng sẽ cảm nhận điều đó hơn hết. nghiên cứu về tâm lý học xã hội cho thấy, 90% khách hàng quyết định bởi cảm xúc nhiều hơn là logic. Họ cảm nhận nhiều hơn là suy nghĩ. Họ tin tưởng vào người bán hàng trước khi tin tưởng vào sản phẩm.  Họ chưa biết sản phẩm, dịch vụ như thế nào cho đến khi họ sử dụng nó. Nhưng họ đang  nhìn bạn, nghe bạn, chạm vào bạn, ăn bạn, người bán hàng. Ai cũng có cơ chế phòng ngự trước các rủi ro, điều nguy hiểm, chính vì vậy cảm giác an toàn, tin cậy sẽ khiến khách hàng mua hàng từ bạn nhiều hơn là các tính năng mà bạn nói.

Tuy vậy, không phải ai cũng sẽ đồng ý, khách hàng luôn có băn khoăn, và có những người không nhận thấy giá trị của sản phẩm. Hoặc đối với họ, sản phẩm hay dịch vụ chưa có giá trị ngay lúc này. Họ chỉ mua nó khi nhận ra giá trị, thứ họ cần là đem lại cho họ lợi ích, niềm vui, điều họ mong muốn, giải quyết vấn đề mà họ đang gặp phải. Đó là vấn đề mà người bán hàng phải đối mặt.
  • Chỉ ra cho khách hàng đâu là giá trị của sản phẩm?
  • Giá trị đó cần thiết với khách hàng như thế nào?
  • Cũng nhận giá trị như vậy, so với các sản phẩm hay dịch vụ tương tự thì sao?
  • Để mua được giá trị sử dụng, thì họ cần phải bỏ tiền. Vậy chứng minh để thấy giá trị nhận được lớn hơn nhiều so với số tiền họ phải bỏ ra như thế nào?
Đó là các câu hỏi hay còn gọi là vấn đề cần giải quyết. Nếu khách hàng có những vấn đề như trên thì đó mới là công việc của người bán hàng. Nếu họ không có vấn đề thì một là họ không phải là khách hàng, hoặc tình huống còn lại là không cần người bán hàng nữa vì sản phẩm quá tốt, dịch vụ quá tốt, giá quá hợp lý, mọi người đếu biết và hiểu nó rồi. Bao nhiêu % trường hợp như vậy xảy ra. Cực ít!
Như vậy, công việc trong bước 2 của quy trình 5 S là bạn cần chia sẻ. Bạn cần giới thiệu, bạn cần trình bày về thứ đang bán. Những hãy nhớ, cảm xúc tác động mạnh hơn logic. Cảm xúc có tính lây nhiễm. Nếu bạn yêu sản phẩm, người cạnh bạn cũng dễ bị lây tình yêu đó vì vậy hãy tâm tình, chia sẻ là cách tác động đến cảm xúc trong bán hàng.
 Có phải lúc nào bạn cũng nhận được sự đồng tình không? Khách hàng sẽ có vấn đề? Có bài toán cho bạn. Cách bạn giải quyết là cách bạn nhận được phẩn thưởng.

Còn nữa.....

Monday, July 15, 2013

Để hôm nay trở thành kiệt tác (Tóm tắt sách)

Chia sẻ sách: Để hôm nay trở thành kiệt tác
Bí quyết thành công nằm trong chính kế hoạch hàng ngày của bạn
(Dịch từ tác phẩm “Today Matters”,  Do Thái Hà books & Nhà xuất bản Lao động – Xã hội phát hành)
Tác giả: John C. Maxwell
Người chia sẻ: Nguyễn Phú Trung

Thời gian: 19.00-21.00 thứ 4 ngày 17/7/13
Địa điểm: Tầng 20 Tòa nhà Charmvit, Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội 
Đơn vị tổ chức: CLB Sống Với Đam Mê

Bí quyết thành công?
  • Hầu hết mọi người đều muốn thành công và truy tìm các “bí quyết”
  • Khi có bí quyết rồi thì cần áp dụng các bí quyết này? Vì nếu không áp dụng hay không hành động thì sẽ không có kết quả. Vậy thì con đường thành công trắc trở hay bằng phằng? Rất nhiều tác giả cung cấp nhiều lời khuyên đại lại như phải rõ ràng mục tiêu, phải tập trung, phải chăm chỉ, phải phấn đấu, phải làm 100% khả năng , vv.. 
  • Một số người có thể đã áp dụng điều đó vài ngày. Một số khác tốt hơn thì thực hiện trong vài tuần. Một số khác, tốt hơn nữa, thì thực hành trong vài tháng.  Nhưng nếu mục tiêu quá lớn, con đường quá đài, nguồn lực lại không đủ thì vẫn có thể thất bại hay bỏ cuộc giữa chừng.
  • Khi đó sẽ phải đặt lại câu hỏi. Bí quyết thành công đó có đúng hay không?  Hay đó chỉ là những mẹo vặt, một lời khuyên có thể đúng với người này và có thể sai với khác.
Nguyên lý Thành Công phổ biến đúng cho với tất cả mọi người, trong tất cả công việc, trong tất cả khía cạnh của cuộc sống, ở mọi quốc gia, với mọi lức tuổi là gì?

Nếu bạn chỉ có Ngày HÔM NAY?
  • Thay vì Hoài vọng về quá khứ đã qua, có thể huy hoàng, có thể tàn tạ.
  • Thay vì Phóng chiếu vào tương lai chưa đến, những giấc mơ và hy vọng
  • Hãy tạo ra Kiệt Tác trong chính Ngày HÔM NAY.
  • Mỗi ngày là một viên gạch cho lâu đài cuộc đời.  Vì vậy Để thành công bạn làm một việc rất đơn giản là tạo ra từng ngày thành công. Để hạnh phúc bạn làm một việc rất đơn giản là tạo ra từng ngày hạnh phúc.

Nội dung cuốn sách chia sẻ 12 điều làm mỗi ngày trở thành Kiệt tác!

Tác giả John C. Maxwell là ai?
Ông xuất thân từ một gia đình mục sư. Giai đoạn đầu tiên, công việc của ông là lãnh đạo nhà thờ. Sau đó ông chuyển sang lĩnh vực đào tạo về khả năng lãnh đạo. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm về chủ đề lãnh đạo và phát triển cá nhân nổi tiếng và được đón nhận trên thế giới. Sự phát hiện về quy luật thành công của ông khác với các tác giả khác ở điểm nào?

Ngay từ tựa đề cuốn sách Today Matters được dịch sang tiếng Việt là Để hôm nay trở thành kiệt tác, bạn có thể đã nhận ra một sự khác biệt lớn. Phần lớn đều cho rằng thành công là  điều sẽ xảy  ra ở ngày mai, trong tương lai hay vào một ngày nào đó chưa xác định.

Người chia sẻ Nguyễn Phú Trung?
Là một người kinh doanh, rất thích đọc sách và ham học hỏi.  Anh tìm thấy sự giao điểm giữa Đạo lý của Phật giáo, Môn Tử Vi trong Văn hóa phương Đông (Môn học  dự đoán số phận của con người qua ngày, giờ, tháng, năm sinh) và Triết lý thành công  của phương Tây trong cuốn sách này.

 
ĐT đăng ký: 091 202 1234 (chị Hồng)
L phí tham d: 100.000 đ/người
Hội viên: Miễn phí


                    CLB Sống Với Đam Mê – Luôn luôn đặt câu hỏi, luôn luôn khám phá!

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các hoạt động của CLB tại những đường link dưới đây.Đừng quên nhấn nút like nếu các bạn thấy thú vị nhé!Xin cám ơn.
Video tổng kết mùa hạ đam mê: https://www.youtube.com/watch?v=YUXJy_ME2NY