2 công thức xây dựng cho đội ngũ hạng A
Sẽ khó đạt được thành công lớn nếu chỉ đi có một mình. Làm việc đội nhóm là một kỹ năng quan trọng để gặt hái kết quả vượt bậc. Đó là một kỹ năng cần được rèn luyện và thực tập. Bài viết này chia sẻ hai công thức giúp bạn xây dựng đội nhóm giấc mơ. Một công thức xây dựng công việc, Một công thức xây dựng tinh thần.
TEAM = Target + Energy + Action + Method
Mục tiêu (Target)
Đầu tiên cần xác định và chia sẻ mục đích và các mục tiêu cụ thể của nhóm. Mục đích là những giá trị, lý do tại sao nhóm ra đời. Xác định rõ ràng mục đích của nhóm giúp thành viên biết được giá trị nhận được và giá trị cần đóng góp. Ví dụ, khi tham gia một nhóm học chung với nhau thì trưởng nhóm cần xác định được mục đích là nhóm được sinh ra để có được kết quả học tập tốt. Khi chúng tôi tham gia một khóa học về khởi sự doanh nghiệp thì tất cả thành viên cần ý thức được là học nhóm để tạo động lực và giúp nhau hoàn thành khóa học với số điểm đặt ra cụ thể.
Sau khi xác định rõ ràng lý do, mục đích của nhóm, các thành viên cần làm rõ một số mục tiêu cơ bản. Mục tiêu là cách thức đo lường mục đích có đạt được không? Thường mục tiêu rất quan trọng để phấn đấu và kiểm tra sự tiến bộ. Ví dụ nếu bạn chỉ tuyên bố là chúng ta học nhóm với nhau để mọi người hoàn thành tốt khóa học và tạo động lực cho nhau. Vậy cần cụ thể ra “hoàn thành tốt” nghĩa là như thế nào? Mọi người cần đạt bao nhiêu điểm để được gọi là tốt? Tạo động lực cho nhau là gì? Bằng cách nào, đưa ra một số hành động cụ thể để thực hiện, ví dụ số lần gặp nhau trong ngày, tuần, tháng,…
Mục đích và mục tiêu càng SMART (Cụ thể - Specific,Đo lường được – Measurable, Khả thi – Achievable, Thực tế - Realistic và Thời gian – Time) thì lúc triển khai càng dễ thực hiện và hoàn thành. Tuy nhiên, trong nhóm không phải tất cả mọi người sẽ đồng ý và nhất trí 100% cho mục tiêu của nhóm, nhưng nếu không có mục đích thì đội ngũ sẽ không biết tại sao phải đi. Nếu không có mục tiêu thì đội ngũ sẽ không biết phải đi như thế nào? Những nhóm thành công và nhóm thất bại khác nhau ở điểm nào?
Năng lượng (Energy)
Những nhóm thành công thường là nhóm có năng lượng cao. Bản thân mỗi cá nhân đã có động lực, kỹ năng, động cơ làm việc mạnh mẽ. Họ cam kết hành động và tuân thủ kỷ luật đưa ra. Khó có thể hành động được hiệu quả nếu cả đội không ai tuân thủ kỷ luật đặt ra. Có ba dạng nhóm như sau, căn cứ theo năng lượng.
Nhóm A Nhóm tập hợp những con người xuất sắc, năng lượng cao, nhiệt tình, chấp nhận thử thách, tích cực với các bất ngờ ngoài dự đoán. Trong nhóm có người đã kinh nghiệm, họ thích những bài toán khó, hoặc muốn làm vượt hơn mục tiêu đề ra ban đầu. Họ thích làm hơn sự mong đợi. Đặc biệt, phần lớn những người trong nhóm A có thái độ tích cực, đặc biệt là tính kỷ luật. Có thể họ không hoàn toàn nhất trí với nhau về mục tiêu, nhưng họ sẽ cố gắng hoàn thành tốt phần việc được giao. Họ ít khi kêu ca và tập trung vào các giải pháp khi có những tình huống khó khăn hoặc tình huống bất ngờ.
Nhóm B thường là nhóm có một số người cam kết, tỷ lệ chiếm ít nhất là khoảng 40%, họ là những người có ảnh hưởng, có tính cách cam kết và động lực tích cực. Họ làm việc nghiêm túc và sẵn sàng giúp đỡ những thành viên còn lại. Thông thường nếu bạn rơi vào nhóm B, bạn sẽ có hai xu hướng. Hoặc trở thành người tích cực năng động trong nhóm hoặc bạn sẽ trở thành người tiêu cực, thụ động, hoặc tệ hơn là phá bĩnh. Tất nhiên là bạn nên chọn trở thành người tích cực. Vì những gì bạn làm hay không làm đều được tính, nó sẽ tác động ngược trở lại. Khi bạn tích cực trong một môi trường âm tính, bạn hỗ trợ đội nhóm, bạn giúp đỡ đồng đội giải quyết vấn đề, bạn cõng họ vượt qua khó khăn, bạn động viên họ khi họ mệt mỏi, bạn chia sẻ gánh nặng với đồng đội khi họ cạn sức. Những hành động đó sẽ tạo ra dấu ấn trong suy nghĩ, cảm xúc của động đội và sau này thì bạn cũng sẽ nhận được những điều tương tự.
Trường hợp ngược lại, nếu bạn có gặp khó khăn, rơi vào đội nhóm tiêu cực, hay gặp sự phá bĩnh, cùng thuyền với đồng đội không trung thành thì cũng đững buồn làm gì cho mất năng lượng. Đó là những “quả” bạn nhận vì những gì đã gieo trước đây. Nên thái độ tốt nhất trong các hoàn cảnh đó là, im lặng, làm việc, cống hiến và tạo ra một tấm gương tốt. Thay vì phàn nàn, oán trách đồng đội, bạn hãy thay đổi bản thân mình trước đó là công nghệ xử lý “quả báo”. Đừng dùng phàn nàn để chống lại phàn nàn, đừng dùng tiêu cực để chống lại tiêu cực, đừng dùng bao biện để chống lại bao biện. Hãy trung hòa những lời phàn nàn bằng ý tưởng hay, giải pháp tốt. Hãy chuyển hóa những lời tiêu cực thành những câu động viên hay, tìm ra những điều ý nghĩa và giá trị mới trong công việc đang làm. Hãy dùng những hành động để chỉnh sửa thay vì bao biện, giải thích.
Nhóm C nói chung không nên tham gia được, vì ai cũng tiêu cực, không có động cơ, tập hợp những người chỉ tham gia cho vui, hoặc làm theo cho có. Đội ngũ đó không có tham vọng, hay khát khao chiến thắng nào hết. Nếu bạn đã từng tham gia vào nhóm này thì một số dấu hiệu như sau. Một là không có mục đích rõ ràng và mục tiêu cụ thể. Không thấy những người tích cực, đứng lên nhận trách nhiệm. Trong nhóm rất ít thấy những lời động viên, những nụ cười được chôn vùi bởi những câu nói nhạo báng, ném đá, tiêu cực và những khuôn mặt cau có, đáng ghét. Nếu bạn rơi vào nhóm C thì sao? “tẩu vi thượng sách” chuồn là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu bạn là một người lãnh đạo giỏi, bạn tin tưởng vào khả năng thì bạn sẽ coi đó là cơ hội để kiểm tra năng lực của mình, nhưng nhắc trước bạn, đừng để một thời gian sau bạn cũng vị nhiễm viruts tiêu cực.
Mọi thứ trong cuộc sống đều là năng lượng. Đội nhóm chiến thắng là đội nhóm có năng lượng cao. Khi bạn quan sát các đội bóng, các cuộc chơi đồng đội, các đội tuyển chơi với tinh thần cao thượng, các cầu thủ chơi một cách cống hiến, gắn kết thì đội nhóm đó thường sẽ vô địch. Hãy vào A – Team!
No comments:
Post a Comment