Nguyên lý vô thường được phát biểu rất đơn giản là mọi thứ đều thay đổi. Nguyên lý vô thường trong Đạo Phật được dạy cho các Phật tử để quán chiếu sự vận động, thay đổi của không chỉ vạn vật mà còn cả tâm con người. Áp dụng nguyên lý vô thường vào cuộc sống và công việc giúp bạn bình an và có sức mạnh.
Mọi thứ đều biến đổi
Một triết gia phương Tây đã phát biểu một cách hình tượng “bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Điều này có nghĩa, khi bạn quay trở lại, thì dòng sông đã khác đi rất nhiều. Dòng sông đã không còn như xưa nữa. Nếu chỉ hiểu nghĩa dòng sông đã thay đổi thì chưa thấy hết được cái hay của phát biểu này. Hoặc có thể phát biểu này là chưa đủ vì không chỉ dòng sông mà bản thân bạn cũng đã thay đổi. Bạn cũng đang vận động như một dòng sông.
Thân thể được hình thành từ hàng tỷ tế bào. Chúng đang sinh ra và chết đi từng giây, từng phút. Có hàng tỷ sự vận động đang diễn ra trong cơ thể mà chỉ khi nhìn bằng kính hiển vi hoặc thiết bị khoa học mới thấy được điều đó. Từng mỗi tế bào lại được xây dựng từ các phân tử. Các phân tử được hình thành từ các nguyên tử. Tiếp tục, các nguyên tử lại được hình thành từ các hạt. Các nhà khoa học hiện nay đã đưa ra kết luận là ngay cả các hạt cơ bản cũng không còn là cơ bản nữa, bởi vì chúng cũng đang biến đổi, chuyển hóa chứ không đứng yên một chút nào.
Ngoài thân thể biến đổi, thì suy nghĩ của chúng ta cũng đang biến đổi, cũng là dòng sông của suy nghĩ. Hôm nay bạn yêu quý người này, có thể ngày mai bạn không còn thích ngưới đó nữa. Hôm nay họ nói những lời ngọt ngào với bạn, nhưng ngày mai bạn có thể nhận câu nói thô tục, hoặc cũng còn có thể nặng nề hơn là bằng hành động bao gồm dao búa, gậy gộc, hoặc những âm mưu độc địa. Như vậy, chúng ta có thể đưa ra một kết luận tương tự là “ bạn không gặp một người hai lần “.
Cảm xúc của bạn vậy, trong một ngày bạn có lúc rất hứng khởi, rất hưng phấn tràn đầy niềm vui. Nhưng cũng có thể cuối ngày, sếp của bạn bảo bạn nghỉ việc đi, lúc đó thì sao bạn vui hay buồn, cảm xúc cũng đang vận động, đang thay đổi. Trong tình yêu, nhiều đôi đã từng nói với nhau,” anh không thể sống thiếu em được. Anh chỉ có yêu mình em….” . Nhưng kết cục, thì khi em chết anh vẫn sống hoặc ngoài em ra, anh vẫn có thể yêu thêm em khác nếu nhà có điều kiện.
Đến đây có thể, bạn sẽ không đồng tình hoặc đặt câu hỏi là “thế mình yêu thật thì phải nói gì?” lúc đó tình yêu rất thật, thật đến nỗi bạn phát biểu một câu nói chắc chắn là sai nhưng bạn vẫn hoàn toàn tin 100% là đúng. Tôi được học một câu “im lặng là đỉnh cao của trí tuệ” . Khi có ai nói với bạn hoặc bạn định phát biểu “ A yêu B mãi mãi, hay A không thể sống thiếu B” thì tốt nhất, hoặc bạn ý thức ra được sự thật thì bạn sẽ im lặng, bởi vì thực chất nếu điều đó đúng thì bạn sẽ không cần nói, hoặc bạn hiểu rằng có nói gì cũng là sai. Hoặc nếu dũng cảm hơn, bạn sẽ phát biểu là “A yêu B trong khoảng khắc này, còn không dám chắc khoảng khắc tiếp theo”.
Vậy chúng ta có thể nhận thức thấy mọi thứ đều thay đổi. Các hiện tượng, sự vật, sự việc đang thay đổi liên tục. Thân thể chúng ta đang thay đổi. Suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta cũng như vậy, nó không ngừng chạy nhảy. Sự thay đổi diễn ra như thế nào?
4 Trạng thái
Mọi thứ thay đổi tuần tự theo bốn bước là SINH – TRỤ - DỊ -DIỆT. Hoặc giải thích theo ngôn ngữ hiện đại như sạu. Đầu tiên là được sinh ra, xuất hiện. Thứ hai là phát triển, thứ ba là suy thoái và cuối cùng là diệt vong.
Từ các đế chế hùng mạnh trong quá khứ, như Ai Cập, La mã, Mông cổ, vv,… rất nhiều triều đại lẫy lừng, vàng son trong lịch sử phát triển thế giới, nay chỉ còn những câu chuyện về các triều đại đó. Nó đã được sinh ra, phát triển lên đỉnh cao, rồi tiến đến suy thoái và cuối cùng là biến mất.
Bản thân con người cũng vậy, được đẻ ra, nuôi lớn, trưởng thành, già đi và cuối cùng cũng biến mất. Một đồ vật, hay một thứ hàng hóa nào đó chúng ta mua về thì chúng cũng được tạo ra, sử dụng, hỏng hóc và cuối cùng biến mất. Cây cối xung quanh cũng vậy, được sinh ra, chúng nở hoa, rồi tàn héo và cuối cùng cũng biến mất.
Tình yêu, hay tình cảm cũng không có gì khác. Đôi khi còn nhanh hơn, hôm nay có rồi mai biến mất còn chưa kịp có trạng thái trung gian hoặc lướt qua trạng thái trung gian quá nhanh đến nối không kịp nhận ra. Nhưng nói chung sẽ như sau : cũng được sinh ra, tình cảm nảy nở, những ánh mắt, cái nhìn đầu tiên đầy đứng khởi, đằm thắm, tràn đây năng lượng. Sau đó, được thăng hoa, phát triển trở thành những cảm xúc đỉnh cao. Rồi từ đò, nó rời dần, rới dần xuống thành sự thông thường, gặp nhau cũng được không gặp nhau cũng chẳng sao. Đôi khi lâu lâu không gặp nhau còn tốt hơn là gặp nhau thường xuyên. Cuối cùng là “anh không còn yêu em nữa hoặc đỡ huỵch toẹt hơn thì, chúng ta không hợp nhau. BYE”.
Nhưng, đôi khi tình yêu kết thúc thì hôn nhân bắt đầu, hoặc khác hơn một chút là hôn nhân bắt đầu và tình yêu kết thúc một cách từ từ, hoặc hạ cánh dần dần (nói thế cho bạn đỡ phản ứng tiêu cực). Có trường hợp ngoại lệ không? Cũng có, có một số trương hợp khác thì sẽ hạ dần rồi lại tăng lên cao, tăng lên cao nữa và cuối cùng cũng phải hạ cánh. Nếu vẽ đồ thị thì nó cũng chỉ có xu hướng đi lên một giai đoạn và sau giai đoạn đi lên nó sẽ phải đi xuống và kết thúc.
Đọc đến đây, bạn sẽ một là hơi bực mình vì sự thật này, hoặc bạn sẽ suy nghĩ một chút để thấy sự thật này có giá trị như thế nào?
Bài học từ vô thường cho kinh doanh
- Thắng không kiêu bại không nản: Lúc bạn thất bại là lúc đi xuống, nhưng bạn biết sẽ có lúc đi lên. Thế thì bạn sẽ không sợ hãi, hãy cho mình một cơ hội mới. Ngược lại, khi bạn thành công, bạn biết rằng cũng sẽ có ngày đi xuống, hãy bình thản, đừng vội mừng và hoàn toàn thảnh thơi nếu có ngày tàn đến sớm hơn mong đợi. Vô thường thôi!
- Từ chối & đồng ý: Ý kiến của mọi người hầu như có thể thay đổi được. Hôm nay họ từ chối mua hàng nhưng ngày mai họ có thể đồng ý. Ngược lại, hôm nay họ đang là khách hàng trung thành nhưng ngày mai họ có thể nói lời tạm biệt. Vô thường thôi!
- Khi bị chỉ trích về ý tưởng thì cũng đừng buồn: Ý tưởng của bạn có thể hôm nay mọi người cho rằng rất dở hơi, nhưng ngày mai lại có nhiều người chúc phúc cho bạn. Vô thường thôi!
- Trong mối quan hệ, bạn biết có gặp gỡ sẽ có lúc chia tay, có sinh thì có diệt nên cũng đừng buồn vì nếu có lúc chia tay. Mọi dòng sông đều tuôn chảy. Vô thường thôi!
Chính vì biết mọi thứ luôn thay đổi, bạn nên trân trọng từng ngày, từng cơ hội, từng mối quan hệ, từng thời gian với gia đình và bạn bè. Bởi vì không chắc chắn có còn gặp lại vì luật vô thường. Bạn hãy làm bốn trạng thái này đều đẹp và ý nghĩa. Trẻ con có vẻ đẹp của trẻ con, sự gây thơ, sự trong sáng. Thanh niên có vẻ đẹp của thanh niên, mạnh mẽ, hoài bão, khát vọng, năng lượng tràn đầy. Người già có vẻ đẹp của người già, chín chắn, kinh nghiệm, minh triết, trải nghiệm. Và Người chết cũng có vẻ đẹp của người chết, nếu chết thành bình, mỉm cười, và để lại câu chuyện hay cho con cháu.
Mỗi giai đoạn đều có vẻ đẹp của nó, có ý nghĩa của nó. Nếu chỉ có ban ngày thì mọi vật sẽ không phát triển. Cần có cả ban đêm để mọi vật được nghỉ ngơi, để sáng hôm sau sẽ lại đẹp đẽ, mới mẻ, sáng sủa. Không giai đoạn nào là không có giá trị. Quan trọng ở đây là bạn hiểu được sự vận động và tìm ra giá trị và ý nghĩa của sự kiện xảy ra. Bạn không thể quyết định sự kiện điều gì xảy ra với bạn, nhưng bạn có thể quyết định ý nghĩa của nó với bạn như thế nào.
Bạn hiểu quy luật vô thường, biến đổi, Sinh – Trụ - Dị - Diệt bạn sẽ bình an. Bạn hiểu điều tất yếu xảy ra, cho dù điều đó bạn thích, yêu, bảo vệ đến mấy nó sẽ cũng có ngày biến mất. Tại sao phải buồn? Tại sao lại không vui vì nó đã hoàn thành quy trình, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Do đó bạn sẽ bình an và vui sướng khi nó vẫn đang ở bên bạn, gia đình, đồng đội, bạn bè, cơ hội,…..
Bạn sẽ mạnh mẽ khi bạn hiểu quy luật vô thường, bạn sẽ trân trọng mọi lúc, mọi thời điểm, mọi thứ đang diễn ra. Vì bạn hiểu mọi điều xảy ra đều là duy nhất,nó sẽ không xảy ra hai lần cho bạn. Hãy tận hưởng và tìm ý nghĩa của nó, hãy gán cho nó ý nghĩa bạn thích nhất, tích cực nhất, vui vẻ nhất. Khi hiểu luật vô thường thì bạn sẽ thấy mọi thứ chỉ là một cuộc chơi, có khởi đầu và có kết thúc và tại sao không chơi cho thật hay? Thật sáng tạo? Thật ý nghĩa? Để mỗi cuộc chơi, mỗi ngày chơi trở thành kiệt tác.
Nguyễn Phú Trung