Saturday, October 12, 2013

Đại tướng và Lòng từ bi




Đại tướng được nhắc nhiều đến về những chiến thắng hiển hách trong chiến tranh, nhưng còn một chiến thắng vĩ đại nữa mà ít được nói đến. Đối với tôi, không sinh ra trong thời chiến nên cũng khó cảm nhận được sự vĩ đại của chiến thắng hiển hách trước các cường quốc như Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Nhưng tôi cảm nhận  một chiến thắng vĩ đại hơn nhiều lần mà đại tướng đã tạo ra trong thời bình. Chiến thắng được tạo ra bằng lòng từ bi.
Về quan điểm quân sự của Đại tướng là giành chiến thắng với ít máu rơi nhất có thể. Đại tướng luôn coi mỗi người lính như người con của mình và khi ra quyết định bất kỳ một trận chiến nào, thì ngài đều tính toán, tìm hiểu kỹ lưỡng cách thức, chiến thuật để giành được chiến thắng với sự hạn chế nhất về thương vong, máu xương của các chiến sỹ. Chính tấm lòng, trái tim thương dân, thương quân mà Đại tướng phải suy nghĩ, phải sáng tạo để có được giải pháp tối ưu. Khi xem đoạn phim về trận chiến Điện Biên Phủ “cuộc chiến giữa hổ và voi” do một đạo diễn phim người Pháp thực hiện. Khi phỏng vấn Đại tướng thì ngài có nói  “Cuộc chiến là sai lầm”. Ngài cho rằng không nên có chiến tranh là tốt nhất và người chịu trách nhiệm chính là những kẻ lên kế hoạch cho trận chiến giữa người Pháp và Việt nam. Chính làm tướng, chính nhìn thấy xương máu của hàng triệu người vô tội, đại tướng mới là người hiểu được rõ nhất giá trị của hòa bình. Ngài cầm quân ra trận, một quyết định sẽ dẫn đến sự hủy diệt sinh mạng có thể của bên mình hoặc bên đối thủ. Cho dù sinh mạng đó của bên nào, ngài cũng đều nghĩ đó đều là mạng người, và ngài muốn sớm nhất kết thúc chiến tranh.
Sau chiến thắng chống Pháp, ngài lại tiếp tục lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam chống lại đối thủ mạnh hơn về tài chính, kỹ thuật, công nghệ. Sau ngày giải phóng, ngài là Bộ trưởng bộ quốc phòng nắm toàn quyền về quân sự của đất nước Việt Nam độc lập tự do. Chính giai đoạn này thì chiến thắng vĩ đại nhất của ngài xuất hiện.
Đại tướng bị cắt chức, chuyển từ Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng sang phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Chúng ta thử tưởng tượng về một con người uy tín với thế giới, với quân đội, nằm toàn bộ binh quyền trong tay có thể bị dễ dàng cắt chức thế được không? Và bị điều chuyển sang một lĩnh vực mang tính “đàn bà” như  vậy thì có dễ dàng chấp nhận được không? Nếu Đại tướng không chấp nhận chuyện như vậy, không nhẫn nhục thì điều gì có thể xảy ra?
Chúng ta có thể nhìn thấy các sự kiện gần đây ở các nước như Thái Lan, Iran, thì quân đội sẽ quyết định quyền lực của chính quyền. Vì nếu một người dí súng vào đầu bạn và  bắt đầu đàm phán thì lợi thế đàm phán sẽ nghiêng về người cấm súng nhiều hơn.  Đại tướng hoàn toàn có thể hiệu lệnh quân đội trong tay để nắm quyền điều hành đất nước. Nhưng ngài đã không làm như vậy, vì có lẽ, ngài hiểu rẳng một trận chiến nội bộ như vậy sẽ khiến cho không biết bao nhiêu người chết nữa.  Mà những cái chết đó không phải là cái chết của kẻ thù mà là cái chết của chính đồng đội, chính những người đang gọi nhau là đồng chí.
Ngài đã chấp nhận từ chức, chịu rất nhiều lời vu khống, bội nhọ đến cả danh dự, hình ảnh của một vị đại tướng lừng danh thế giới. Ngài rời bỏ chức vụ, từ bỏ binh quyền để làm một việc mà ai nghe cũng phải ngạc nhiên. Ngài nhẫn nhịn những điều mà ít người có thể nhẫn nhịn được. Ngài đã có một chiến thắng lớn lao nhất, chiến thắng được chính mình, chiến thắng tham vọng. Ngài đã buông bỏ cái bả công danh để giữ cho đất nước được hòa bình bất chấp sự chà đạp, bôi nhọ. Đại tướng làm được như vậy, chắc hẳn là lòng từ bi, tình thương của ngài với nhân dân lớn hơn rất nhiều tham vọng, cái Tôi mà rất nhiều chủ thuyết hiện đại kêu gọi. Ngài giống như một vị Bồ tát với hạnh Đại nhẫn, chấp nhận mọi sự tổn thương về mình để cho những người dân được hòa bình, để cho dân tộc không rơi vào cảnh nội chiến tang tóc.
Trong lịch sử nhà triều đại nhà Trần, cũng có một câu chuyện gần giống nhưng khác rất nhiều. Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Quốc Công Tiết Chế chỉ huy toàn bộ quân đội để chống lại giặc ngoại xâm là quân Nguyên. Hưng đạo vương đã được cha dặn dò trước khi nhắm mắt là phải lấy lại ngôi vua. Lúc đó Ngôi vua thì do dòng thứ nhà Trần là vua Trần Nhân Tông nắm giữ. Hưng Đạo Vương là đại diện cho dòng trưởng, với uy tín, với cương vị chỉ huy toàn quân thì có thể dễ dàng lấy lại ngôi vua như trở bản tay. Trong lịch sử có ghi lại, Ngài đã gọi tất cả bốn người con từng người vào một và hỏi là “khi ông nội chết, có dặn cha là phải lấy lại ngôi vua. Ý con thế nào?” Ba người con đầu đều khuyên là không nên, nhưng người con cuối có nói là phải tranh thủ cơ hội để cướp ngai vàng. Hưng đạo vương đã nổi giận lôi đình và ra lệnh mang đứa con ra chặt đầu. Người con này may là được xin tha nên không bị chết, nhưng từ đó cũng không được Ngài dùng vào các việc quan trọng nữa.
Hai con người vĩ đại, Trần Quốc Tuấn, Võ Nguyên Giáp  rất giống nhau, cùng lãnh đạo quân đội, cùng chống lại đối thủ lớn nhất thời đại tương ứng, và cùng chiến thắng. Hai ngài đều thể hiện một tầm lòng trung kiên, yêu nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình. Nhưng chỉ khác với Hưng đạo vương là Đại tướng bị cho thôi chức, bị bội nhọ sau khi đem đến chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.
Với tấm lòng từ bi thương yêu đất nước, Đại tướng thanh thản đón nhận để đất nước được thêm bình yên. Ngày quốc tang của Ngài đã làm rung động nhiều trái tim của nhiều thế hệ. Điều đó thể hiện đức độ , lòng từ bi của ngài mới là giá trị lớn nhất được ghi tạc trong lòng dân tộc Việt Nam.
                                                        Hà nội, 12/10/2013. Biết ơn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp



No comments:

Post a Comment